Ta học được gì từ Elon Musk?
Trở thành triệu phú khi mới 27 tuổi (1999), được gọi là tỉ phú khi lên 40 (2012), và mới đây đã được người người nhà nhà nhắc đến với danh hiệu “người giàu nhất thế giới” (2020), Elon Musk khiến ta không khỏi thán phục và tò mò về tính cách và giá trị của ông. Điều gì đã thúc đẩy Elon sáng lập, sở hữu và làm việc không ngừng nghỉ tại 5 công ty trị giá tỷ đô (SpaceX, Tesla, The Boring Company, OpenAI, NeuralLink)? Sau đây là 6 điều đáng học hỏi từ Elon Musk trên con đường xây dựng sự nghiệp:
1. LÀM VIỆC NHƯ KHÔNG CÓ NGÀY MAI
Elon làm việc 80-100 giờ mỗi tuần (so với 40 giờ của một người bình thường) và ông ấy ngủ trong văn phòng nhiều lần. Elon đã giải thích điều này bằng một phép toán đơn giản: nếu bạn làm việc 100 giờ và người khác làm việc 50 giờ, thì rõ ràng bạn sẽ hoàn thành gấp đôi khối lượng công việc mà người khác có thể trong một năm. Đặc biệt, ông chia sẻ rằng trong những ngày đầu tiên mở công ty cùng anh trai, hai anh em chỉ thuê một văn phòng nhỏ. Họ ngủ ở trên ghế sô-pha và tắm ở YMCA (phòng gym). Vì chỉ có một chiếc máy tính nên website sẽ được bật lên vào ban ngày, và Elon sẽ tranh thủ viết code vào ban đêm, cứ như thế, đều đặn 7 ngày một tuần. Hơn nữa, khi Tesla Motors đang ở trong cuộc khủng hoảng tài chính, Elon đã thông báo với các nhân viên của ông “Tôi sẽ có mặt 24/7 để giúp đỡ giải quyết các vấn đề. Bạn có thể gọi tôi lúc 3 giờ sáng ngày chủ nhật, tôi cũng không quan tâm.” Chưa hết, cụm từ “cân bằng công việc và cuộc sống” (work-life balance) không có trong từ điển của Elon Musk. Ông ấy cho biết “Nếu tôi có thể tìm ra cách để làm việc và không ăn, tôi sẽ làm điều đó.”
“Tại sao phải làm khổ mình vậy? Dẫu sao công việc cũng chỉ là công việc. Ta làm việc để sống, chứ có bao giờ sống để làm việc.” – Nếu bạn đang thắc mắc điều này, yên tâm và hãy cứ đọc tiếp, điều này sẽ được giải đáp khi bạn hiểu rõ hơn về Elon Musk.
Tóm lại, không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp kể trên (tôi cũng không khuyến khích các bạn phải làm vậy), nhưng rõ ràng là Elon sẽ không thể đạt được những gì mình có ngày hôm nay nếu không có đạo đức làm việc thái quá này. Ông là minh chứng rõ ràng nhất, rằng làm việc chăm chỉ chính là chìa khoá của thành công.
Quote: “Work hard like, every waking hour.”
2. ĐẶT MỤC ĐÍCH CUỐI CÙNG THẬT VĨ ĐẠI, RÕ RÀNG VÀ TRUYỀN CẢM HỨNG
Nếu cứ lao vào công việc, làm hùng hục mà chẳng biết đích đến của mình ở đâu, thì coi như 100 giờ làm việc cực lực của bạn cũng sẽ đổ sông đổ biển. Elon luôn có mục tiêu rõ ràng cho mọi việc mình làm: (Locke 2020)
Năm 2022, đưa tên lửa SpaceX lên sao Hoả, mang theo hàng hoá
Năm 2024, tiếp tục đưa thêm hàng hoá và phi hành đoàn lên sao Hoả
Năm 2050, gửi 1 triệu người dân lên sao Hoả
Nghe thật to lớn và vĩ đại phải không? Có phải đọc xong mục tiêu của Elon, tinh thần bạn có phấn chấn hơn, đầu óc có tỉnh táo hơn, cơ thể có sức sống hơn, như muốn bắt đầu làm một điều gì đó có ý nghĩa? Chắc chắn bạn sẽ không cảm nhận được sự hứng thú này nếu đang đọc danh sách các deadline bài tập tháng tới mình phải nộp.
Dù con đường bạn đang đi có là gì đi chăng nữa, hãy đặt một đích đến cuối cùng thật to lớn, đủ để khiến bạn hào hứng nhảy ra khỏi chiếc giường đầy cám dỗ mỗi sáng. Hãy thêm deadline ngày tháng năm cho mục tiêu đó, để bạn biết mình phải cố gắng (từng tí) mỗi ngày. Và cuối cùng hãy đặt khung cảnh “đích đến” đó thật nhiều người chú ý (ở nơi công cộng càng tốt). Ví dụ, nếu bạn yêu thích viết sách, một mục đích phù hợp có thể là khung cảnh bạn vừa ra mắt quyển sách đầy tâm huyết của mình trước mặt rất nhiều người đọc, gia đình và bạn bè bạn cũng ở đó, doanh thu đạt mức kỷ lục của nhà sách, sách của bạn đã giúp đỡ rất nhiều cuộc đời, và tất cả đang vỗ tay tán thưởng ca ngợi bạn.
Với một tầm nhìn đầy cảm hứng như vậy, thay vì phàn nàn về 40 giờ bạn “phải” làm việc mỗi tuần, bạn sẽ làm với một tâm thái hoàn toàn khác, rằng bạn đang “được” hoàn thành ước mơ của đời mình. Với bạn lúc này, 40 giờ hay 100 giờ, chắc bạn cũng chẳng quan tâm.
À một lưu ý nho nhỏ: điều này chỉ nên được áp dụng với mục đích cuối cùng của bạn mà thôi. Đối với những mục tiêu ở xuất phát điểm, bạn nên chia nhỏ chúng, càng dễ thực hiện và càng thực tế càng tốt. Đặt một mục tiêu quá khó ngay từ đầu sẽ khiến bạn nhanh nản chí và bỏ cuộc ngay từ khi chưa bắt đầu.
3. TẠO NÊN GIÁ TRỊ CHO XÃ HỘI
Thực ra điều này cũng tương tự với việc đặt mục tiêu đầy cảm hứng. Khi bạn làm một điều tốt đẹp cho cộng đồng, hay đơn giản là cho những người xung quanh bạn, bạn cảm thấy vô cùng hạnh phúc, phấn chấn, và thúc đẩy bản thân tiếp tục làm những điều mình đang làm.
Elon Musk cũng như vậy, ông làm việc phần lớn là vì lợi ích của xã hội. Ông không đặt tên công ty của mình theo tên tuổi của mình, mà theo tên người mình ngưỡng mộ (Tesla). Trong một buổi phỏng vấn, khi được hỏi rằng ông sẽ phản ứng ra sao nếu một đối thủ trong lĩnh vực sản xuất xe đạt được thành tựu mà ông chưa đạt được, Elon trả lời một cách chân thành rằng ông mừng cho họ, bởi điều này sẽ đẩy nhanh quá trình giúp đỡ nhân loại. Elon chọn sự phát triển của xã hội làm thước đo thành công cho sự nghiệp của mình, thay vì thi đấu, tiền tài hay danh vọng. Điều này cũng nằm trong tầm nhìn dài hạn của ông, giúp ông luôn tiến về phía trước, làm việc không ngừng nghỉ.
Quote “If somebody is doing something useful to the rest of the society, that’s a good thing. It doesn’t have to change the world, it just needs to be good.”
4. SỨC CHỊU ĐỰNG NỖI ĐAU CAO
Trước khi đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, Elon Musk cũng đã có những ngày đen tối nhất.
Tại SpaceX, 3 tên lửa đầu tiên đã không hoạt động theo ý muốn. Tuy Elon đã phải bỏ ra 100 triệu đô la bỏ từ tiền túi của mình, ông vẫn đứng trên bờ vực phá sản.
Hay ở Tesla, vào những ngày đầu tiên phát hành công khai lần đầu (Initial Public Offering) năm 2010, Jim Cramer, người dẫn chương trình Mad Money của CNBC đã có những lời bình gay gắt “bạn không muốn sở hữu cổ phiếu này đâu” (“You don’t want to own this stock. Heck, you shouldn’t even rent the darn thing. I think Tesla will have the same trajectory as A123, which we told you would have the a first day pop when it came public, but then it would be a dud afterwards.”)
Năm 2012, khi Tesla đã thành lập được 10 năm tròn, Mitt Romney, lúc đó đang tranh cử tổng thống, đã nói trước toàn đất nước rằng Tesla là kẻ thua cuộc (loser).
Elon Musk đã từng chia sẻ rằng một vài tháng đầu tiên khi khởi nghiệp luôn luôn hào hứng nhất, nhưng rồi thực tế khốc liệt xen vào. Mọi thứ sẽ không xảy ra theo như kế hoạch, người dùng không đăng ký dịch vụ nhiều, công nghệ hay sản phẩm không hoạt động trơn tru như bạn nghĩ. Và những nỗi buồn như được nhân đôi bằng một cuộc suy thoái. Tóm lại, nó sẽ rất đau đớn trong một vài năm đầu tiên. Để vượt qua được những sóng gió đang chờ đợi bạn phía trước, Elon gợi ý rằng bạn nên có sức chịu đựng lớn trước những nỗi đau (have a high pain threshold).
Quote “Building a company and having it successful is like eating glass and looking at the abyss. It’s very very painful.”
5. HÃY MẠO HIỂM
Trong buổi lễ tốt nghiệp của trường Đại Học University of Southern California, Elon đã nhắc nhở các cử nhân rằng đây là lúc các bạn nên mạo hiểm, làm một điều gì đó thật liều lĩnh (nhưng không ngu ngốc). Bạn hoàn toàn có thể mạo hiểm ngay bây giờ vì bạn chưa có con cái, chưa có nhiều nghĩa vụ. Một khi bạn đã có gia đình, bạn không chỉ mạo hiểm cho bản thân mà còn cho cả gia đình của mình, làm những điều không an toàn sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Quote “Now is the time to take risks, do something bold, you won’t regret it.”
6. LÀM VIỆC PHẢI CÓ KẾT QUẢ
Hãy cố gắng tỉnh táo khi dành thời gian và công sức hoàn thành bất cứ công việc nào. Hãy hỏi bản thân rằng liệu số thời gian, công sức hay tiền bạc này có giúp bạn phục vụ ưu tiên số 1 của mình không. Nếu câu trả lời là không thì bạn nên dừng điều mình đang làm càng sớm càng tốt.
Điều này được thể hiện rõ trong cách phân bổ nguồn chi tiêu của Elon Musk dành cho Tesla. Elon nói ông sẽ chỉ dành tiền vào những thứ có thể khiến sản phẩm của mình trở nên tốt hơn. Chính vì vậy, ông đã ngừng tiêu tiền vào quảng cáo, dù chỉ là một xu, và dùng toàn bộ số tiền dành cho R&D (Research and Development), sản xuất và thiết kế để cố gắng chế tạo nên một chiếc xe tốt nhất có thể. Điều này không có nghĩa là quảng cáo không tốt hay sản xuất là tốt. Cách phân bổ tài nguyên hoàn toàn phụ thuộc vào ưu tiên của mỗi người.
Quote “Signal over noise – only focus on the results.”
#quantriexcel
#kynangmoi
No comments:
Post a Comment