10 BƯỚC ĐỂ TỰ THOÁT RA KHỎI VÙNG AN TOÀN CỦA CHÍNH MÌNH
----------------------------------------
1. Để ý tới những gì nằm ngoài vùng an toàn của bạn:
Bằng cách trả lời câu hỏi sau: Đâu là những điều bạn tin là rất đáng làm nhưng lại ngại thử vì không tự tin vào năng lực của bản thân hay bị ám ảnh bởi thất bại?
Hãy vẽ ra một vòng tròn và viết những điều ấy ở bên ngoài, đồng thời viết những điều quen thuộc bạn vẫn làm ở bên trong vòng tròn đó. Điều này sẽ giúp bạn xác định được những gì làm nên “vùng an toàn” bấy lâu nay của mình.
2. Xác định rõ những nỗi sợ mà bạn muốn vượt qua:
Bây giờ hãy lập ra một danh sách những điều làm bạn cảm thấy không thoải mái, và đi vào chi tiết. Nhớ rằng cảm giác bạn đang muốn vượt qua là nỗi sợ.
Từ đấy đặt ra câu hỏi rằng nỗi sợ này sẽ ra sao khi đặt nó vào từng trường hợp cụ thể. Có thể bạn luôn sợ khi phải đứng đối diện với nhiều người và giới thiệu về bản thân.
Vì sao? Có phải là vì bạn không thích giọng nói của mình? Hay bạn tự ti về ngoại hình của mình? Hay là bạn vốn rất sợ cảm giác bị người khác lờ đi?
3. Làm quen với những nỗi sợ đó:
Bạn nên đặt mục tiêu ban đầu là nói không với suy nghĩ sẽ chạy trốn khi phải đối diện trực tiếp với nỗi sợ của mình.
Hãy hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh, tự nhắn nhủ mình rằng nỗi sợ này không phải là tận cùng của thế giới, và thử áp dụng một bí quyết của người Nhật có tên là “Kaizen” (cải tiến mỗi ngày). Kiên trì đặt mình vào những hoàn cảnh khiến bạn cảm thấy không thoải mái và dần dần bạn sẽ thấy quen với nó thôi.
4. Coi thất bại như một người thầy:
Nhiều người trong số chúng ta rất sợ thất bại và từ đó dẫn đến sự tự thỏa hiệp rằng thà không làm gì còn hơn là chấp nhận rủi ro để đến với giấc mơ của mình.
Nhưng bây giờ bạn thử nghĩ khác xem, nghĩ rằng liệu mình có thể học được gì từ những trải nghiệm và áp dụng nó ra sao để tăng khả năng thành công của mình trong những lần tiếp theo.
5. Bước những bước nhỏ:
Đừng cố nhảy ra khỏi vùng an toàn ngay lập tức, vì rất có khả năng bạn sẽ bị choáng, hay cảm thấy quá sức và liền trở về vòng tròn của mình.
Thay vào đó hãy coi mình như một đứa trẻ mới chập chững tập đi, bước những bước nhỏ thôi để tiến dần tới mục tiêu của mình. Nếu bạn muốn tự tin thuyết trình trước đám đông thì nên bắt đầu với những nhóm nhỏ trước.
Tìm mọi cơ hội có thể, ví dụ như gia đình hay bạn bè của bạn cũng là một lựa chọn tốt trong trường hợp này.
6. Trao đổi với những người truyền cảm hứng:
Nếu bạn muốn trở nên tốt hơn ở một lĩnh vực nào đó, bạn nên tiếp xúc với những người cũng đang theo đuổi lĩnh vực ấy.
Họ sẽ truyền cảm hứng cho bạn, hay bạn có thể cũng nảy sinh cảm giác ganh đua (theo nghĩa tích cực) mà sẽ tự nhiên dành công sức và tâm huyết để tìm hiểu.
7. Thành thật với bản thân khi bạn bắt đầu đưa ra những lý do để chùn bước:
Đưa ra vô số những lời biện hộ nghe có vẻ hợp lý dường như là sở thích lớn nhất của bộ não chúng ta. Có khi nào bạn nói “Ôi bây giờ mình không có thời gian để làm cái này” mà trong sâu thẳm lại nghĩ “Thật ra là mình sợ làm cái này vì mình đã bao giờ thử đâu!”.
Ngưng trì hoãn mà hãy thực sự bắt tay vào thực hiện những gì bạn tin là cần thiết, nhé.
8. Nghĩ tới những điều tốt đẹp:
Hãy thử tưởng tượng những gì bạn sẽ nhận lại được nếu hoàn thành xuất sắc những thử thách bạn tự đặt ra cho mình. Luôn ghi nhớ những điều ấy và chúng sẽ trở thành động lực để bạn vượt qua nỗi sợ.
9. Đừng thúc ép bản thân quá mức:
Hãy tự thưởng cho mình một vài quãng nghỉ để lấy lại cân bằng sau những cố gắng không ngừng để thay đổi bản thân.
Đồng thời cũng đừng đặt áp lực quá nặng nề lên vai mình, bởi đây mới là lần đầu của bạn mà, sao có thể trông chờ sự hoàn hảo được.
10. Cố gắng tìm niềm vui trong mọi việc bạn làm:
Điều cuối cùng bạn nên nhớ là niềm vui có thể biến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, và việc gì cũng có hai mặt của nó, điều bạn cần làm là để ý kĩ hơn tới mặt tích cực và cứ thế mà tận hưởng thôi!
Hi vọng bạn có đủ ý chí và can trường!
Theo hrc.com.vn
#TonyDzung
No comments:
Post a Comment