MỘT "NGƯỜI LỚN" THỰC THỤ TRONG CUỘC SỐNG PHẢI BIẾT CÁCH LOẠI BỎ "SĨ DIỆN HÃO"
1. Người lớn cần phải chữa bệnh "sĩ"
Thế giới của người lớn ngập tràn những khó khăn và trắc trở. Người thà cắn răng chịu đựng chứ không chịu đầu hàng. Người thì đã sớm quên đi sĩ diện để bắt tay làm lại từ đầu vì một tương lai ấm no hạnh phúc. Đứng trước sinh tồn, sĩ diện là thứ rẻ rúng nhất.
Trong phim Ông chú của tôi (2018), "ông chú" Park Sang Hoon bị cho nghỉ hưu non vì năng lực kém cỏi. Anh thấy rất mất mặt nên quyết tâm đi khởi nghiệp. Ngờ đâu, khởi nghiệp thất bại, anh mất sạch lương hưu và mất luôn cả vợ.
Em trai của Park Sang Hoon tên là Park Ki Hoon. Park Ki Hoon từng là một đạo diễn trẻ triển vọng của làng điện ảnh Hàn Quốc. Tiếc rằng, anh chỉ là một tài năng mãi không chịu lớn. Nhưng lòng anh vẫn không ngừng ôm ấp những giấc mộng viển vông. Anh thà ở nhà chơi chứ nhất quyết không chịu ra ngoài tìm việc. Hai anh em cả ngày ăn không ngồi rồi. Cuộc sống rơi vào cảnh túng quẫn. Mẹ già vì điều này mà lo lắng đến bạc đầu.
Cuối cùng, họ buộc phải đi làm công nhân vệ sinh. Họ chấp nhận từ bỏ sĩ diện để chăm chỉ đi làm cái công việc mà họ cho là "mất mặt" đó. Công việc lương không cao nhưng cũng đủ để cho họ có đồng ra đồng vào. Những tia hy vọng về tương lai dần được thắp sáng. Sự thay đổi của Park Sang Hoon cũng khiến vợ anh muốn quay về nối lại tình xưa. Mẹ già thấy vậy trong lòng rất vui. Cuộc sống gia đình ngày càng hạnh phúc.
Sĩ diện là thứ vô dụng nhưng cũng là thứ khó buông bỏ nhất. Bạn càng để tâm đến sĩ diện của mình, thì con đường bạn đi sẽ càng khó đi hơn. So với sinh tồn, sĩ diện không đáng một xu. Người chết vì sĩ diện mới là kẻ dễ đánh mất đi phẩm giá của bản thân.
2. Nếu không bỏ được sĩ diện hão, người lớn tất gặp hoạ
Một anh nhân viên luôn ba hoa khoác lác vì sợ bị người khác coi thường. Anh ta nói phét rằng có người quen bên đường sắt, vì vậy có thể mua được những chiếc vé mà người khác không mua được. Một người đồng nghiệp đã nhờ anh mua hộ hai vé tàu. Anh đã trót đâm lao thì phải theo lao, đành vác chăn gối ra xếp hàng xuyên đêm đợi mua vé ở trạm xe lửa. Nhưng đen đủi làm sao, khi đến lượt anh thì vé đã hết.
Anh sợ bị chê cười nên đành cắn răng rút hầu bao mua vé chợ đen với giá trên trời. Anh sợ vợ cằn nhằn nên dặn vợ đừng nói gì để giữ thể diện cho mình. Khi người kia đến lấy vé, tật xấu khó bỏ, anh lại tiếp tục khoe mua được tận 5 vé. Người kia nghe vậy thì liền nói muốn mua nốt ba cái còn lại. Anh cũng đành ngậm ngùi đồng ý vì sợ mất mặt.
Sếp biết chuyện nên cũng nhờ anh mua vé tàu cho công nhân. Dù vợ anh đã nói rõ sự thật và từ chối thay anh, những sếp vẫn một mực không tin và khen anh có bản lĩnh. Đến lúc này, anh chỉ biết ngậm trái đắng mà thôi.
Nhiều người sống chết cũng phải giữ lấy sĩ diện. Vì sĩ diện, họ sẵn sàng hành hạ bản than, thậm chí làm liên lụy đến người nhà. Họ được nở mày nở mặt dù trong lòng đang phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Con người nên sống vì mình và biết yêu lấy bản thân. Chúng ta đừng quá để ý xem người khác nghĩ gì về mình.
Để giữ lấy thể diện, bạn quên mất cách nói không với những việc quá sức. Chẳng lẽ bạn nghĩ sẽ được người ta tôn trọng khi biết làm hài lòng họ ư? Bạn thích ôm rơm rặm bụng thì chỉ tự chuốc họa vào thân.
Khi bạn biết sống cho mình, bạn sẽ phát hiện cuộc sống vốn dĩ không mệt mỏi đến thế. Vì vậy, bạn hãy cứ sống tốt cuộc sống của mình thôi là đủ rồi.
3. Người lớn hãy nhớ: Có thực mới vực được gạo
Bộ phim Bá vương biệt cơ có một câu thoại kinh điển rằng: "Là con người, phải biết tự mình tác thành cho chính mình." Bạn sẽ mạnh mẽ khi biết nuôi dưỡng bản thân từ bên trong chứ không phải hời hợt ở phía ngoài.
Đại văn hào Nhật Bản Junichi Wanatabe khi mới vào nghề thường bị các nhà xuất bản từ chối. Ông cảm thấy rất mất mặt, nhưng ông tự an ủi mình là những kẻ biên tập chẳng hiểu gì về tiểu thuyết! Nhờ đó, ông được giải phóng khỏi suy nghĩ tiêu cực. Mỗi lần như vậy, ông hay rủ bạn bè đi uống rượu và tắm hơi để sốc lại tinh thần. Đợi đến khi bình tâm, ông lại tiếp tục sáng tác. Qua nhiều lần viết đi viết lại, ông dần tìm ra được những thiếu sót và không ngừng tiến bộ. Ông viết ngày càng lên tay và cho ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc như Thiên đường đã mất.
Ông có một người bạn là nhà văn tài hoa – Ngài O. Khi mới vào nghề, ngài O không thoát khỏi cảnh bị các nhà xuất bản từ chối. Nhưng ngài O lại là người nhạy cảm, cho nên O rất buồn bã và suy sụp.
Khi nói chuyện với Watanabe, ngài O thường hay than ngắn thở dài. O thấy thật mất mặt và không còn động lực để tiếp tục nữa. Junichi Watanabe khuyên O hãy đi nói chuyện với phía biên tập, nhờ họ chỉ ra sai sót. Nhưng ngài O đã từ chối thẳng thừng vì sợ bị mất mặt.
Ngài O không có cách thoát khỏi nỗi sợ. Vì vậy, ông dần đánh mất vị trí của mình trên văn đàn Nhật Bản.
Trên đời, có người sống vì sĩ diện, có người sống cho chính mình. Người có năng lực biết bồi dưỡng thực lực của bản thân mà trở nên mạnh mẽ. Người ưa sĩ diện hay vì sĩ diện khó có thể hoàn thành đại sự. Thể diện được tạo nên bởi thực lực chứ không phải do người đời ban phát.
4. Muốn có thể diện, phải biết buông bỏ sĩ diện
Ai mà chẳng có tính sĩ diện. Nhưng mỗi người lại khác nhau ở chỗ có dám từ bỏ sĩ diện hay không? Có người vì cái lớn lao mà buông bỏ sĩ diện hão. Có kẻ mất luôn sĩ diện vì mắc bệnh sĩ.
Đối với nhiều người, sĩ diện là số 1. Họ sợ bị làm khó dễ, nên không dám đi tìm việc. Họ sợ bị người khác coi thường, nên hay tâng bốc bản thân. Họ sợ bị đem ra làm trò cười nên không dám hạ mình học hỏi. Sau cùng, họ vẫn chỉ là kẻ trắng tay. Thử hỏi sĩ diện ở đâu ra chứ?
Đừng để bệnh sĩ giết chết tương lai của bạn. Đối với người thành công, sĩ diện có hay không cũng không quan trọng. Lưu Bị đã phải đích thân ba lần đến lều cỏ mới có được Gia Cát Lượng. Việt vương Câu Tiễn đã nằm gai nếm mật đợi đến ngày trả thù Ngô vương.
Ngày bạn biết sống cho mình mà buông bỏ sĩ diện thì cũng là ngày bạn bắt đầu viết nên những chương rực rỡ nhất trong cuộc đời.
Theo Trí Thức Trẻ
#Tony_Dzung
No comments:
Post a Comment