ĐỂ THÀNH CÔNG, CHỈ RÈN LUYỆN IQ VÀ EQ LÀ KHÔNG ĐỦ. TÍCH LŨY TRỌN BỘ CHỈ SỐ NÀY MỚI THỰC SỰ TRỞ NÊN ƯU TÚ
1. IQ (Intelligence quotient)
IQ là chỉ số cho thấy sự thông minh của con người, đồng thời cũng phản ánh khả năng nắm bắt kiến thức, khả năng quan sát, khả năng ghi nhớ, khả năng tư duy, trí tưởng tượng, óc sáng tạo, cũng như năng lực phân tích và giải quyết vấn đề. Thực tế thì IQ không phải là không bao giờ thay đổi, nó có thể được nâng cao thông qua học tập và rèn luyện. Bởi vì muốn thành công, nhất định phải không ngừng học tập và tích lũy.
Không những phải học từ sách vở, học từ xã hội mà còn phải học hỏi từ cấp trên của mình. Họ sở dĩ có thể làm lãnh đạo của bạn là bởi họ có điểm hơn bạn, có nhiều thứ đáng để bạn học tập. Nhiều người muốn vượt qua cấp trên của họ, đây là một tinh thần rất quý giá, nhưng muốn vượt qua mà lại không học hỏi điểm thành công của họ, vậy thì bạn dựa vào đâu để vượt qua? Không ngừng học tập, trau dồi tri thức, đây là điều kiện cơ bản của thành công.
2. EQ (Emotional intelligence quotient)
Là khả năng quản lý cảm xúc và xử lý các mối quan hệ xã hội. Xã hội ngày nay là sự tổng hòa của áp lực công việc và các mối quan hệ xã hội phức tạp, không có EQ, bạn khó có thể thành công. Những người có EQ thường được mọi người yêu mến, thích qua lại, và cũng rất được lòng mọi người. Quan hệ xã hội là một thứ vũ khí lợi hại mà bất cứ ai cũng nên sở hữu cho mình, một mạng lưới quan hệ xã hội rộng rãi là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của bạn.
3. AQ (Adversity intelligence quotient)
AQ chỉ khả năng chịu đựng được áp lực khi phải đối mặt với nghịch cảnh, hoặc năng lực tiếp nhận những thất bại và khó khăn. Có câu: “Khó khăn là bước đệm cho thiên tài, là tài sản cho những người có khả năng, và là vực thẳm đối với kẻ yếu đuối”, khó khăn là bài học giáo dục tốt nhất. Chỉ khi trải qua tôi luyện và khó khăn thì tiềm lực mới được phát huy, tầm nhìn mới được mở mang, mới có thể chạm tới thành công.
Rất nhiều tỷ phú trên thế giới đều có xuất thân nghèo nàn, hay học lực kém, trước khi có được sự thành công và giàu có mà ai ai cũng ngưỡng mộ, họ cũng đã phải bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Trong số họ, không có ai là thuận buồm xuôi gió ngay từ đầu cả, thậm chí còn thất bại không chỉ một lần, bởi lẽ không trải qua thất bại thì không thể nếm mùi thành công.
Hãy nhớ, nghịch cảnh sẽ không kéo dài lâu, kẻ mạnh tất nhiên sẽ thắng. Bởi con người bẩm sinh đã có một tiềm lực đáng kinh ngạc, chỉ cần có ý chí đi phát huy thì nhất định sẽ vượt qua được cửa ải khó khăn, rồi từ đó tự vẽ nên cho mình một bức tranh hoàn mỹ.
4. MQ (Moral intelligence quotient)
MQ cho thấy mức độ phẩm chất đạo đức của một người. Nội dung của MQ bao gồm các đức tính như chu đáo, lễ phép, bao dung, thành thật, có trách nhiệm, hòa đồng, chân thành, hài hước… Chúng ta hay nói “đức trí thể”, trong đó “đức” được đặt ở vị trí đầu tiên.
Robert Coles, một giáo sư khoa tâm thần học Đại học Havard có nói “nhân cách chiến thắng tri thức”. Một người có MQ cao nhất định sẽ được người khác tín nhiệm và tôn trọng, tự nhiên cơ hội thành công cũng sẽ nhiều hơn người khác.
5. DQ (Daring intelligence quotient)
DQ là chỉ số đo lường sự gan dạ, dám làm, dám hành động, nó cho thấy một tinh thần mạo hiểm của một người. Người có DQ cao là người biết nắm bắt cơ hội, lúc cần phải ra tay thì sẽ ra tay. Bất kể là ở thời đại nào, nếu không có gan chấp nhận thử thách và mạo hiểm thì sẽ chẳng bao giờ nên được việc lớn. Những người thành công hầu hết đều là những người có “cái gan” hơn người.
6. FQ (Financial intelligence quotient)
FQ chỉ khả năng quản lý tài chính, đặc biệt là năng lực đầu tư. Không có bản lĩnh quản lý tài chính thì dù có bao nhiêu tiền đi chăng nữa, bạn cũng đều sẽ tiêu hết. FQ là một năng lực mà ai cũng nên có, chỉ có điều, nó cũng lại thường là điều mà chúng ta hay xem nhẹ nhất.
Thế hệ trước của chúng ta đều là “những người nghèo”, họ chỉ dạy chúng ta phải học hành thật giỏi, tìm một công việc tốt, tiết kiệm tiền, tiêu tiền ít thôi. Kiếm ít một chút cũng không sao, quan trọng là sự ổn định. Họ chưa từng dạy chúng ta cần phải có FQ, phải biết cách quản lý tài chính.
Vì vậy, FQ đối với chúng ta mà nói là một thứ mà ta cần phải bồi dưỡng ngay lúc này. Những người giàu, tại sao họ có thể tích lũy cho mình một khối tài sản to lớn đến như vậy? Đó là vì họ biết cách đầu tư và biết cách quản lý tiền bạc của mình.
7. MQ (Mental intelligence quotient)
MQ là khả năng duy trì sức khỏe tâm lý, điều chỉnh áp lực tâm lý và duy trì một trạng thái tâm lý ổn định, vững vàng. Thế kỉ 21 là một “thời đại phiền muộn”, con người phải đối mặt với đủ các thể loại áp lực tâm lý, nâng cao MQ, duy trì một sức khỏe tâm lý ổn định đã trở thành yêu cầu cấp thiết của mỗi người.
Chúng ta hiện nay khát vọng thành công, nhưng thành công lại càng ngày càng bị chi phối bởi yếu tố tâm lý. Từ một khía cạnh nào đó mà nói, mức độ MQ trực tiếp quyết định sự vui buồn trong cuộc đời mỗi người, quyết định sự thành bại của mỗi người.
8. WQ (Will intelligence quotient)
WQ chỉ mức độ ý chí của một người, bao gồm sự kiên trì, tính mục tiêu, tính quyết đoán, khả năng kiểm soát… Nếu trong học tập và làm việc, bạn là người không sợ mệt, không sợ khổ thì chứng tỏ bạn là người có WQ cao.
“Một phân khổ một phân tài”, WQ có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với trí tuệ của mỗi người. Đời người chí nhỏ thì thành quả nhỏ, chí lớn thì làm nên đại sự. Rất nhiều người cuộc đời cứ bình bình, không phải vì họ không có tài năng mà là bởi họ thiếu chí hướng và mục tiêu rõ ràng. Muốn tồn tại trong giới kinh doanh, muốn đạt được thành tựu thì bạn phải có tham vọng lớn.
9. SQ (Spiritual intelligence quotient)
SQ chỉ cái nhìn linh hoạt, sâu sắc đối với bản chất sự việc và khả năng tư duy trực giác. Nhà vật lý học Max Planck, cha đẻ của cơ học lượng tử cho rằng một nhà khoa học sáng tạo bắt buộc phải là người có trí tưởng tượng trực quan rõ ràng.
Bất kể là Acsimet khi đi tắm đã nghĩ ra lực đẩy Acsimet, Newton bị quả táo rơi vào đầu mà cho ra đời định luật vạn vật hấp dẫn, hay August Kekulé nhờ giấc mơ về một con rắn mà đã phát hiện ra cấu trúc vòng benzene… tất cả đều là những ví dụ điển hình về vai trò của SQ trong phát hiện những cái mới.
Thành công không có công thức nhất định, chỉ dựa vào lý thuyết trong sách thì không thể giải quyết được vấn đề trong thực tế, chúng ta vẫn cần đến những giây phút tỏa sáng của SQ. Muốn rèn luyện SQ, mấu chốt là ở việc không ngừng học tập, quan sát, suy nghĩ, dám đặt ra những giả thuyết mà có thể không ai dám nghĩ đến, dám phá bỏ tư duy truyền thống.
10. HQ (Healthy intelligence quotient)
HQ phản ánh nhận thức của một người về sức khỏe. Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của con người. Sức khỏe là 1; sự nghiệp, tình yêu, tiền bạc, gia đình, bạn bè, quyền lực…là số 0 ở sau số 1 đó. Vì vậy, người mà chỉ có 1 thì không đủ, những nếu mất đi 1(sức khỏe) thì dù có bao nhiêu số 0 ở đằng sau đi chăng nữa cũng đều sẽ là vô nghĩa. Có câu “bình an là phúc”, tiền đề của hạnh phúc chính phải biết yêu thương và trân trọng sức khỏe của bản thân đồng thời nỗ lực đi sáng tạo và chia sẻ các giá trị sự nghiệp, tình yêu, tiền bạc quyền lực…
IQ, EQ ĐÃ LỖI THỜI ???
Bạn tự hào về chỉ số IQ (Intelligence Quotient – chỉ số thông minh) của mình. Nó có thể thể hiện trí thông minh “thô” của bạn, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nó chỉ là 1 yếu tố nhỏ tạo nên thành công.
Manh nha hình thành từ năm 1912, khái niệm IQ đã “thống trị” khá lâu trong quan niệm về thước đo phẩm chất dẫn đến thành công của con người.
IQ, theo quan niệm phổ thông, thường được mặc định song hành với khả năng tư duy. Tuy nhiên, sau này, nhà tâm lý học Howard Garner đã mở rộng khái niệm IQ, khi chứng minh sự tồn tại của 8 dạng thức thông minh khác nhau và các yếu tố này đều ảnh hưởng đến thành công của một người.
Năm 1995, Daniel Goleman đã giới thiệu 1 khái niệm mới: Năng lực xúc cảm (EQ – Emotional Quotient) như một yếu tố cơ bản dẫn đến thành công. Sự phát hiện này giải thích tại sao 1 số người không thông minh lý tính (IQ) nhưng có sự nhạy cảm cao lại thành công hơn những người có chỉ số IQ cao.
Ngoài IQ, EQ và AQ, trong cuốn sách “Thế giới phẳng: Tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ 21” của nhà báo Thomas L. Friedman, xuất bản lần đầu năm 2005, còn đề cập 2 khái niệm CQ (Curiosity Quotient – Chỉ số tò mò) và PQ (Passion Quotient – Chỉ số đam mê) và coi tổng hợp 2 chỉ số này có thể còn cần thiết hơn IQ (CQ + PQ > IQ).
Năm 1997, nhà tâm lý học người Mỹ Paul Stoltz lần đầu tiên đưa ra 1 khái niệm mới: AQ (Adversity Quotient) trong cuốn sách “Adversity Quotient: Turning Obstacles into Opportunities” (AQ: Xoay chuyển trở ngại thành cơ hội). Trong đó, ông định nghĩa, AQ là đại lượng đo khả năng đối diện và xoay sở của một người trước các thay đổi, áp lực và các tình huống khó khăn.
Trong cuốn sách xuất bản sau đó, Adversity Quotient @ Work, bàn kỹ hơn về vấn đề tương tự, ông giải thích cụ thể hơn cách thức áp dụng khái niệm AQ, để có thể mang lại lợi ích.
Tác giả khẳng định, AQ giải thích tại sao một số người không hẳn thông minh, hay được giáo dục tốt, đồng thời thiếu hiểu biết xã hội, mà lại thành công trong khi nhiều người khác thất bại.
Được viết ra trên cơ sở tích luỹ kinh nghiệm thực tế từ nhiều nghiên cứu với hàng ngàn giám đốc điều hành và nhân viên trong hàng trăm lĩnh vực kinh doanh đa dạng, cuốn sách này đã nhanh chóng trở thành handbook (sổ tay) bí quyết thành công ở nhiều tập đoàn, tổ chức.
Nó cũng được sử dụng trong những bài tập dành cho các VĐV thể thao Olympic, những trường học, những tập đoàn, doanh nghiệp dùng để đào tạo nhân viên.
Nguồn: Tapchidoanhnhan
No comments:
Post a Comment