3 LOẠI VỐN TỰ THÂN BUỘC PHẢI LƯU TÂM ĐỂ GIÀU
Nói đến nghèo khó, người ta thường nghĩ đến hình ảnh những người vô gia cư, lang thang khắp nơi, ăn bữa nay lo bữa mai, sống ngày nào hay ngày đó. Nhưng nhìn lại hiện thực cuộc sống, một người bình thường đi làm hùng hục từ sáng sớm tới tối mịt, tiền lương vừa nhận cũng chỉ đủ trừ bảo hiểm, nộp tiền thuê nhà, tiền điện nước... cuối cùng chẳng còn dư mấy đồng để sinh hoạt, sống như vậy chưa chắc đã sung sướng gì hơn.
Tuy nhiên, người xưa đã có câu: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". Chỉ cần biết cách cải thiện kỹ năng, không ngừng phấn đấu và phát triển 3 loại vốn tự thân sau đây, nhất định chúng ta đều có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân.
01. Loại vốn tự thân thứ nhất: Các mối quan hệ
Trong giới kinh doanh, có câu nói thế này: "Mối quan hệ cũng chính là tiền". Những ai có quan hệ rộng lớn và duy trì nhân duyên tốt đẹp với nhiều người tức là đang nắm trong tay một lượng tài sản vô hình khổng lồ. Có mạng lưới quan hệ rộng khắp đồng nghĩa với việc bạn đang nắm trong tay nhiều cơ hội hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Mà cơ hội có thể chuyển hóa thành thành công hay không, phải xem cách bạn nắm bắt và tận dụng chúng như thế nào.
Nếu kỹ năng giao tiếp của bạn không đủ tốt, hãy bắt đầu học cách kết bạn và đầu tư vào mối quan hệ ngay từ hôm nay với một tấm lòng chân thành. Chọn ngày không bằng chọn ngay, chờ đợi không bằng hành động ngay. Nếu bạn đang là học sinh, sinh viên, bạn có thể xây dựng quan hệ tốt với thầy cô và giảng viên ngay trên lớp. Họ vừa là người có thâm niên trong ngành, vừa nắm giữ rất nhiều mối liên hệ bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức, các đàn anh đàn chị xuất sắc khóa trên... Đôi khi, chỉ cần một lời giới thiệu thân thiết của giảng viên, bạn có thể nhận được cơ hội việc làm lớn gấp đôi bạn bè cùng trang lứa.
Tương tự như vậy, chỉ cần biết cách "vận hành nguồn lực" tới từ các mối quan hệ xung quanh, chúng ta có thể mở rộng con đường lập nghiệp, nhận được những sự giúp đỡ quý giá từ người khác để tránh khỏi những bất lợi không cần thiết. Càng có nhiều mối quan hệ, chúng ta càng có nhiều cơ hội hơn và thành công cách chúng ta càng gần hơn nữa.
02. Loại vốn tự thân thứ hai: Sự chuyên nghiệp
Chuyên nghiệp ở đây không phải chuyện "làm thầy" hay "làm thợ", không phải hình ảnh rập khuôn trong những trang phục công sở chỉn chu, mà là vấn đề "làm chủ". Ai cũng sẽ là ông chủ của chính mình và chính công việc mình được giao, kể cả bạn là người lao công hay giám đốc công ty, kể cả bạn là người đang đi học hay người đã đi làm.
Khi đã nhận làm một việc gì, người chuyên nghiệp nên ý thức rằng họ đang làm chủ nhiệm vụ đó, tức là phải chịu trách nhiệm về kết quả đầu ra của nó trước các bên liên quan và bằng mọi cách nỗ lực tối đa để đạt được kết quả đó. Muốn làm được như vậy, trước hết chúng ta cần xây dựng cách thức tiếp cận mọi vấn đề một cách tổng thể, đi ra từ bản chất và nhìn nhận trong các mối liên kết. Hiểu cốt lõi của vấn đề là cách tốt nhất để làm chủ mọi hoàn cảnh.
Để trở nên chuyên nghiệp, bạn phải có đủ khả năng, một khả năng đủ mạnh mẽ để nắm bắt những cơ hội xây dựng thành tựu cho chính mình. Nếu không, cho dù cơ hội bày ra trước mắt, miếng bánh dâng đến tận miệng, bạn vẫn có thể bị người khác lấy mất. Ví dụ như có người giới thiệu cơ hội việc làm lương cao, con đường thăng tiến rõ ràng, phù hợp để phát triển năng lực tại một công ty lớn nhưng bạn lại trượt ngay trong vòng phỏng vấn vì không thể gây ấn tượng cho quản lý.
03. Loại vốn tự thân thứ ba: Giữ nguyên tắc
Cho dù là trong cuộc sống hàng ngày hay trong công việc, chúng ta cũng cần đặt ra những nguyên tắc nhất định và hết lòng tuân thủ chúng. Chính các nguyên tắc sẽ vừa là nhân tố quan trọng thúc đẩy bản thân cố gắng hơn để hoàn thành tốt công việc của chính mình, vừa là một trong những tiêu chí để bạn có thể soi chiếu và đánh giá quá trình làm việc.
Có rất nhiều người sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để tìm kiếm con đường thăng tiến như nhân phẩm, bản tính, sẵn sàng từ bỏ mọi giới hạn. Nhưng cũng có kiểu người cẩn thận giữ vững nguyên tắc chính mình, kiên định với phương châm bản thân, chăm chỉ từ từ làm việc mà bỏ mặc mọi nhân tố ngoại cảnh lôi kéo. Với kiểu người thứ nhất, cho dù năng lực mạnh đến mấy, họ càng dễ dàng leo lên thì cũng dễ dàng bị đẩy xuống như vậy. Mà với kiểu người thứ hai, nguyên tắc và giới hạn trở thành lá chắn phòng thủ vững chắc nhất cho họ. Đối mặt với cám dỗ trước mắt, họ sẵn sàng từ bỏ để hướng tới những lợi ích lâu bền hơn. Chính vì thế, cho dù có kẻ muốn "ném đá sau lưng" để kéo họ xuống cũng không chỗ ra tay, lực bất tòng tâm.
Nguồn: Trí Thức Trẻ
No comments:
Post a Comment